Trong lịch sử nhân loại, sao chổi thường được xem như báo hiệu của điềm xấu. Trong những câu sấm truyền La Mã đã từng nói về "đám lửa lớn từ trên trời đánh xuống trái đất".Còn trong truyền thuyết cổ nhất mà con người được biết là "Sử thi Gilgamesh" (vị vua xứ Babylon năm 2.600 TCN) thì người ta từng đọc thấy những mô tả về bầu trời rực cháy, khí quyển đầy lưu hùynh và những trận lũ lụt đi kèm sự xuất hiện của sao chổi.
Cuối thời Trung cổ, nhà hiền triết người Do thái, giáo sĩ Moses Ben Nachman, sinh sống tại Tây Ban Nha, từng mô tả về hiện tượng sao chổi theo kiểu huyền bí là "Chúa trời lấy hai ngôi sao trên trời và ném chúng về phía địa cầu để tạo ra những trận lũ lụt nhấn chìm đất đai và con người".
Mảnh sử thi Gilgamesh
Giáo hoàng Calixte II (mất năm 1124) từng ghê sợ sao chổi đến mức Người đã làm phép tẩy trừ sao chổi Halley mà theo Người là công cụ của quỷ dữ. Tại Anh, sao chổi Halley từng bị kết tội đã gieo rắc dịch hạch đen trong khoảng năm 1347-1350 tại châu Âu vốn được xem là một trong những thảm kịch tự nhiên tệ hại nhất đối với nhân loại.
Truyền thuyết Yakut của người Mông Cổ gọi những sao chổi là "yêu nữ" để kêu gọi mọi người cảnh giác trước bão lụt và những trận tàn phá khi sắp có sao chổi. Sao chổi cũng bị kết tội đã ảnh hưởng lên dòng Lịch sử. Người La Mã đã quan sát thấy một sao chổi "đuôi dài" vào ngày Cesar đại đế bị ám sát, năm 44 TCN.
Thế nhưng sao chổi Halley lại đem đến một kỷ niệm hạnh phúc cho Guillaume Kẻ Chinh phục, công tước xứ Normandie (Pháp). Khi ông chuẩn bị xâm chiếm nước Anh (lúc này đang nằm dưới quyền cai trị của người em Harold II) thì trên bầu trời xuất hiện sao chổi khiến ông tin tưởng đó là dấu hiệu của chiến thắng. Quả thật vì niềm tin đó ông đã giành chiến thắng quyết định trong trận Hastings năm 1066.
Nhưng dẫu vậy đến thời Phục Hưng, sao chổi vẫn là niềm đam mê lẫn nỗi sợ hãi. Năm 1571, nhà bác học và đồng thời là nhà phẫu thuật Pháp Ambroise Paré mô tả là đã trông thấy trong đuôi của sao chổi "những gươm giáo, máu me và quái vật".
Với cuộc cách mạng trong thiên văn học do Nicolas Copernic (1473-1543) khởi xướng với khẳng định trái đất xoay quanh mặt trời, các sao chổi mới mất dần đi định kiến là thông điệp của điềm gở để trở thành một thành phần của vũ trụ chịu sự chi phối của luật vạn vật hấp dẫn.
Nhưng cho dù sao chổi không còn mang ý nghĩa đe dọa về siêu hình thì chúng lại trở thành mối nguy hữu hình về khả năng va chạm với địa cầu chúng ta. Bộ phim viễn tưởng của Hollywood "Deep Impact" do đạo diễn bậc thầy Steven Spielberg sản xuất năm 1998 thực sự đã mê hoặc cả khán giả lẫn các nhà khoa học. Bộ phim kể về sứ mạng của hai tàu không gian Mỹ có nhiệm vụ chở theo bom hạt nhân để phá hủy một sao chổi đang hướng đến trái đất.
Trên thực tế, người Mỹ đã lập ra hẳn một cơ quan chuyên theo dõi các chuyển động của những thiên thạch có khă năng nằm trên quĩ đạo của trái đất chúng ta. Cơ quan này có tên gọi cụ thể là "Theo dõi những thiên thạch gần Địa cầu" với nhiệm vụ chuẩn bị những biện pháp phòng ngừa khả năng va chạm làm hủy diệt địa cầu.
Sứ mạng vừa thực hiện của tàu thăm dò Deep Impact cũng không nằm ngoài mục đích đó: hiểu nguồn gốc hình thành hệ mặt trời và cấu trúc bên trong của sao chổi để có thể phòng tránh tốt hơn những vụ va chạm của thiên thạch với địa cầu.