Lửa quét qua hệ mặt trời nhóm trong có lẽ đã đốt hết phần lớn carbon trên Trái đất và trên những hành tinh nhóm trong khác.Mặc dù hành tinh của chúng ta dung dưỡng cho sự sống gốc carbon, nhưng nó có một sự thiếu hụt carbon bí ẩn. Nguyên tố ấy ở các sao chổi và hệ mặt trời nhóm ngoài dồi dào gấp hàng nghìn lần trên Trái đất, so với lượng silicon mà mỗi vật thể có. Mặt trời cũng giàu có carbon tương tự. “Thật ra không có nhiều carbon cấu thành nên Trái đất so với cái có sẵn”, Edwin Bergin thuộc trường đại học Michigan ở Ann Arbor phát biểu.
Ngày nay toàn bộ lượng carbon đó đã biến đi đâu ? Lời giải thích trước nay cho sự thiếu hụt ấy là rằng trong vùng bên trong của đĩa bụi nơi Trái đất hình thành, nhiệt độ vút lên tới 1800 kelvin, đủ cho carbon sôi lên hết. Nhưng những quan sát những hệ mặt trời đang phát triển cho thấy ở khoảng cách Trái đất đến mặt trời, nhiệt độ quá nguội để làm bốc hơi bụi carbon.
Giờ thì một đội gồm các nhà thiên văn học nói ngọn lửa đó thật đáng trách. Các nguyên tử oxygen nóng trong đĩa bụi sẽ dễ dàng kết hợp với carbon, đốt cháy nó, sinh ra carbon dioxide và những chất khí khác – theo lời Jeong-Eun Lee thuộc trường đại học Sejong ở Seoul, Hàn Quốc, và các đồng nghiệp, trong đó có Bergin, trong một bài báo đăng trên tờ The Astrophysical Journal Letters (arxiv.org/abs/1001.0818). Bất kì carbon rắn nào thuộc hệ mặt trời nhóm trong đều bị phá hủy trong vòng vài năm, kết quả tính toán của họ cho biết như thế.
Ủng hộ cho lí thuyết trên là thực tế sự dồi dào carbon trong vành đai tiểu hành tinh bao quanh các hành tinh nhóm trong tăng lên khi bạn càng tiến ra xa mặt trời.
Carbon mà Trái đất chứa ngày nay phải được phân phát sau này bởi các tiểu hành tinh và sao chổi hình thành bên ngoài phạm vi của ngọn lửa sơ khai, các nhà nghiên cứu nói. Điều này có lẽ có một ích lợi tiềm ẩn: các phản ứng hóa học trong hệ mặt trời nhóm ngoài có thể đã biến đổi những hợp chất carbon đơn giản thành những phân tử phức tạp hơn, ví dụ như amino acid, thành phần quan trọng của sự sống, Bergin nói.