Một tiểu hành tinh nhỏ xíu bay ve vãn Trái đất hồi tháng 1/2010 một lần nữa nhắc nhở khả năng bị tấn công của hành tinh chúng ta trước những vật thể có quỹ đạo khác thường đưa chúng vào trò chơi trốn tìm với loài người.Một chiếc kính thiên văn mặt đất đã theo dõi một tảng đá vũ trụ 10 mét bay sớt qua quỹ đạo của chúng ta vừa đúng ba ngày trước một cú trượt hụt vào hôm 13 tháng 1, khi nó bay ở khoảng cách chỉ bằng một phần ba khoảng cách của mặt trăng. Tiểu hành tinh trên chưa bao giờ được trông đợi va vào Trái đất và sẽ bốc cháy trước khi chạm xuống mặt đất trong bất kì trường hợp nào. Nhưng quỹ đạo bất thường của nó có vẻ như được thiên nhiên dựng sẵn một cách tài tình để tránh né con đường đi của chúng ta trong vũ trụ. Có khả năng nhiều vật thể đủ lớn để gây ra sự thiệt hại nghiêm trọng đang ẩn mình dưới những tình huống tương tự.
Hiểm nguy đang rình rập trên đầu chúng ta.
Những tiểu hành tinh lớn tương đối dễ theo dõi vì chúng phản xạ đa phần ánh sáng mặt trời. Nhưng những tiểu hành tinh nhỏ hơn – cái vẫn có thể gây tổn hại cho Trái đất nếu chúng có kích thước ít nhất 30 đến 50 mét – thường quá mờ nhạt nên các kính thiên văn khó phát hiện ra, trừ khi trong khoảng thời gian ngắn ngủi khi chúng tiếp cận gần với Trái đất. Đối với một tiểu hành tinh ở gần Trái đất tiêu biểu, con người chỉ biết tới những sự xuất hiện này trước vài năm hoặc vài thập kỉ.Tuy nhiên, một vị khách bất ngờ hồi tuần rồi, tên gọi là 2010 AL30, giữ khoảng cách đủ xa với Trái đất nên không trông thấy trong hơn một thế kỉ. Sự né tránh lâu nay xảy ra là bởi vì chu kì quỹ đạo quanh mặt trời của nó là 366 ngày – rất gần với chu kì năm của Trái đất (mặc dù sự đi qua gần vừa nói đã làm dịch chuyển tảng đá vũ trụ vào một quỹ đạo 390 ngày). Giống như một chiếc xe đua hơi chậm hơn một chút bị vượt lên từ từ bởi đối thủ kình địch của nó trên một đường đua tròn, nó vẫn giữ khoảng cách xa với Trái đất trên những quãng đường dài nữa.
Khoảng cách giữa 2010 AL30 và Trái đất ngày càng rút ngắn lại năm qua năm. Cú trượt hụt trên hình là ngày 13 tháng 1 vừa qua.
“2010 AL30 có lẽ thuộc loại ‘trẻ ranh’ đối với các tiểu hành tinh đang ẩn mình”, phát biểu của Alan Harris thuộc Viện Khoa học Vũ trụ ở Boulder, Colorado, Hoa Kì.Những tiểu hành tinh “đồng bộ” tương tự có lẽ đang ẩn mình với những chu kì rất gần với hai, ha, hoặc bốn năm,vân vân, Harris nói. Những tiểu hành tinh có chu kì khoảng bốn năm có nguy cơ rủi ro cao nhất với Trái đất, vì chúng sẽ đồng bộ với cả Trái đất và Mộc tinh, theo phát biểu của Timothy Spahr thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiểu hành tinh ở Cambridge, Massachusetts. Những tiểu hành tinh như thế sẽ bị ảnh hưởng một phần bởi lực hấp dẫn của Mộc tinh, thúc chúng vào một hành trình va chạm với Trái đất.
Những tiểu hành có quỹ đạo không đồng bộ cũng có thể ẩn mình. Những tiểu hành tinh có quỹ đạo chủ yếu nằm bên trong quỹ đạo của Trái đất – gọi là những tiểu hành tinh Aten – trải qua phần lớn thời gian của chúng trong ánh chói của mặt trời khi nhìn từ Trái đất, nên các kính thiên văn khó theo dõi chúng.
Nhưng các tiểu hành tinh Aten sẽ dễ theo dõi nếu kính thiên văn được đặt ở gần mặt trời hơn – trong một quỹ đạo ở gần Kim tinh, chẳng hạn. Một chiếc kính thiên văn như thế sẽ còn gây khó dễ cho những tiểu hành tinh ẩn mình trong những quỹ đạo đồng bộ, Harris nói. Ông thừa nhận rằng chi phí cho một sứ mệnh như thế sẽ cao, biết rằng chỉ một phần nhỏ các tiểu hành có khả năng ở trong quỹ đạo đồng bộ hóa. “Mặt khác, tôi nghĩ tôi thà chi tiền cho dự án đó hơn là cho những máy quét hành lí ở sân bay nhằm phát hiện kẻ đánh bom, cái cũng cấu thành một mức chi phí và rủi ro tương tự cho cộng đồng”, ông nói. Một báo cáo của Ủy ban Nghiên quốc quốc gia Hoa Kì đánh giá các chiến lược săn lùng tiểu hành tinh, trong đó có việc sử dụng kính thiên văn vũ trụ, sẽ sớm xuất hiện.
Nhưng cho dù không có đài quan sát nào đặt gần Kim tinh, thì Phi thuyền Khảo sát Hồng ngoại Trường rộng (WISE) vừa mới phóng lên quỹ đạo cũng có thể theo dõi bất kì tiểu hành tinh đồng bộ với Trái đất nào có kích thước đủ lớn – lớn hơn 1 kilo mét bề ngang. Những tiểu hành tinh lớn ở trong quỹ đạo giống như 2010 AL30, ở khoảng cách cỡ từ Trái đất đến mặt trời hoặc gần hơn, sẽ ấm và sáng trong vùng hồng ngoại, khiến chúng là “miếng bánh ngon” cho WISE theo dõi, Spahr nói. Tuy nhiên, ngay cả WISE cũng sẽ chỉ có thể theo dõi một phần nhỏ những tiểu hành tinh kích cỡ trung bình trong những quỹ đạo này, ông nói.
Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của chúng ta, đa số tiểu hành tinh ẩn mình quá nhỏ và quá mờ để phát hiện ra cho đến khi chúng chúng ập đến trên đầu chúng ta – cho dù quỹ đạo của chúng là gì, lạ hay không lạ. “Mảng buồn của câu chuyện là phần lớn những khối đá vũ trụ đông đúc ấy không hiển hiện trước mắt chúng ta trong đa phần thời gian”, Spahr nói.
2010 AL30 là một cái boomerang nhân tạo ?Các nhà thiên văn phát hiện ra 2010 AL30 chỉ vào ngày trước khi nó rít qua Trái đất ở khoảng cách bằng một phần ba khoảng cách đến mặt trăng.
Quỹ đạo thô tính toán từ hai ngày đầu quan sát bằng kính thiên văn cho biết nó đã đi qua gần Trái đất vào năm 2005 và đi qua gần Kim tinh vào năm 2006 – một quỹ đạo giống một cách khả nghi với quỹ đạo của phi thuyền Venus Express của châu Âu, phóng lên vào tháng 11 năm 2005 và đến Kim tinh vào tháng 4 năm 2006.
Điều đó khiến Michael Khan, một kĩ sư tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu, và những người khác cho rằng vật thể trên có lẽ không phải là một tiểu hành tinh gì cả, mà là một tầng tên lửa còn lại từ vụ phóng phi thuyền trên.
Tuy nhiên, sau đó, những quan sát khác đã tinh chỉnh quỹ đạo của vật thể. Giờ thì đã rõ mặc dù 2010 AL30 thật sự tiến khá gần đến Kim tinh vào năm 2006, nhưng nó chưa hề tiến rất gần Trái đất vào năm 2005. Thật ra, cú trượt hụt hồi tuần rồi là một lần tiếp cận của nó với Trái đất kể từ ít nhất là năm 1920.
Với kết quả mới này, giờ thì đến lượt Khan nói rằng vật thể trên không thể là một mảnh tên lửa đã phóng phi thuyền Venus Express từ Trái đất và “có lẽ nó có nguồn gốc tự nhiên”.